Trang chủ Bài viết chia sẻ Công việc

Chảy máu chất xám – Vấn đề không riêng của các doanh nghiệp Việt

“Chảy máu chất xám” là hiện tượng mang tính toàn cầu, không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà ngay cả những nước phát triển cũng diễn ra hiện tượng này, gây thiệt hại đến sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia như Nhật Bản, Canada, Đức, Singapore. Chính phủ các nước đã đề ra những chính sách đãi ngộ nhằm kìm hãm tốc độ chảy máu chất xám và thu hút nhân tài trở về. Còn tại Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục và các doanh nghiệp lo lắng rằng chúng ta đang sống lạc quan trong tư duy: Người tài làm việc ở nơi khác chỉ là thiệt thòi trước mắt, trong một thời gian nữa họ sẽ trở về và góp phần vào sự phát triển của nước nhà. Khi đó, chúng ta được thừa hưởng những kinh nghiệm từ họ. Thế nhưng, nếu không có chiến lược giữ chân nhân tài thì con đường để họ trở về quê nhà vẫn còn rất xa.

Hội nghị tổ chức năm 2013 của Sở GD – ĐT Đà Nẵng đã phản ánh thực tế còn nhiều bất cập trong việc thu hút nhân tài. Đó là việc tỉnh đã cấp học bổng du học cho sinh viên (SV) trong những năm qua, nhưng khi họ quay về, thành phố lại lúng túng trong việc sắp xếp công việc cho những SV ưu tú này. Trên thực tế, nếu bố trí việc làm không phù hợp hoặc không có cơ hội phát triển, họ sẽ chấp nhận hoàn tiền đào tạo và nhảy ra ngoài. Mỗi năm, số lượng sinh viên Việt Nam được cấp visa ra nước ngoài học ngày càng tăng, nhưng có đến 70% trong số đó tiếp tục ở lại để học lên và định cư. Lý do chính là họ không có cơ hội phát triển ở trong nước. Đơn cử rõ ràng nhất đó là sân chơi tri thức Đường lên đỉnh Olympia. Sau 14 năm tổ chức dành cho học sinh trung học phổ thông, được ĐH Kỹ thuật Swinburne Úc trao tặng 100% học bổng, trong số 13 người lên đường du học thì có 12 người ở lại tiếp tục học lên, nghiên cứu và định cư. Chỉ có duy nhất 1 người quay về Việt Nam làm việc.

Chảy máu chất xám

Chảy máu chất xám

Đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám, không chỉ doanh nghiệp Việt mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang phải đau đầu bởi tình trạng này ngày càng phổ biến. Ngay cả nước Nhật luôn đứng đầu trong việc thu hút nhân tài cũng phải đối mặt với hiện tượng này một cách nghiêm trọng vào năm 2007. Tại thời điểm đó, một số mặt hàng phải cắt giảm quy mô sản xuất khiến hàng ngàn kỹ sư của Nhật phải sang tìm việc ở các nước lân cận như Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nhất là tại Trung Quốc. Trong đó, kỹ sư của ngành điện tử – niềm tự hào của người Nhật trong mấy thập niên qua, đã phải cắt giảm nhân công để tái cơ cấu và không tránh khỏi hiện tượng “chảy máu chất xám”. Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, hiện nay có đến 2.800 người Nhật sinh sống và làm việc ở Đông Quan, thành phố 8 triệu dân của Trung Quốc, đồng thời việc Nhật Bản tăng tuổi lĩnh lương hưu lên 63 – 65 trong khi độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi đã thúc đẩy các kĩ sư lớn tuổi sang Trung Quốc công tác. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang được tiếp cận với công nghệ và các kỹ năng của Nhật. E ngại sẽ mất lợi thế trong ngành kỹ thuật so với các quốc gia mới nổi, chính phủ Nhật cũng đã đề ra các chính sách thuyết phục các công ty trong nước đưa ra nhiều mức lương hấp dẫn và cơ hội thăng tiến cao hơn nhiều để nhằm ngăn chặn hiện tượng này. Thế nhưng, việc này gần như là không thể bởi ước tính có hơn 10% dân số Nhật bắt đầu đến tuổi về hưu, trong đó có nhiều kỹ sư. Do đó, các doanh nghiệp Nhật ngày càng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ tốt nhằm chiêu dụ các kỹ sư Nhật làm việc ở các nước lân cận như Việt Nam.

Bài viết liên quan

Top địa điểm
Copyright @ 2025 Total Business Support
WordPress Themes