Cũng như các nước ASEAN, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mục tiêu của chúng ta là đầu tư sản xuất thay thế nhập khẩu và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta cần học hỏi các nước đi trước trong việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kinh nghiệm từ các nước trong khu vực. Trên thực tế, các nước ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút FDI, trong đó có nguồn FDI từ Nhật Bản. Qua đó, Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư của Nhật nói riêng:
Mức thuế trung bình đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là từ 10 đến 25% so với mức thuế lợi tức đối với các công ty trong nước là 32%. Với mức thuế này, Việt Nam tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thời gian miễn giảm thuế của chúng ta là từ 2 đến 4 năm, trong khi đó, thời gian miễn giảm thuế lợi tức của Singapore và Malaysia là từ 3 đến 8 năm, thậm chí Singapore còn có loại hình doanh nghiệp được miễn thuế trong thời gian tối đa 15 năm, hay loại hình doanh nghiệp chỉ chịu mức thuế lợi tức 4%/năm. Ở Philippines, thời gian miễn giảm thuế trung bình là từ 4 đến 6 năm và thực hiện việc miễn thuế thu nhập đối với người nước ngoài 3 năm kể từ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Cũng tại nước này, các khu kinh tế đặc quyền được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế như miễn thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế chuyển lợi nhuận giữa các chi nhánh… Đây là những hình thức mà Việt Nam chưa có. Nhìn chung, chính sách thuế của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thực hiện được, do đó làm giảm sức hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Hiện nay, chúng ta đã gần như áp dụng tất cả các hình thức đầu tư nước ngoài mà trên thế giới thường áp dụng, ngoại trừ hình thức công ty cổ phần lại chưa được phép áp dụng tại Việt Nam. Đây là một điều bất cập trong nền kinh tế hiện tại. Tất cả các nước ASEAN đều áp dụng loại hình này, do vậy, Việt Nam cần xem xét và nên áp dụng hình thức này càng sớm càng tốt. Ngoài ra, tỷ lệ góp vốn quy định đối với người nước ngoài theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là không dưới 30% vốn pháp định, trong khi trên thực tế, các công ty liên doanh tại Việt Nam có phần vốn góp của bên nước ngoài chiếm đa số. Điều này có phần mâu thuẫn khi mà chúng ta đang muốn nâng cao tỷ lệ vốn góp của bên Việt Nam.
Về chính sách thị trường:
Hiện nay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Việt Nam hoạt động theo hướng sản xuất hàng xuất khẩu mà không được bán hàng hoá ra thị trường nội địa. Đây là một quy định hoàn toàn cứng nhắc. Việc này không xảy ra đối với các nước ASEAN. Điển hình là Philippines cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể trao đổi hàng hoá với thị trường nội địa một cách tự do.
Các nước Đông Nam Á không hạn chế việc DN nước ngoài sử dụng người ngoại quốc, vấn đề này chưa được xem xét tại Việt Nam.
Hiện nay hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và kém nhanh nhạy. Điều này gây ra rất nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc vay vốn.
Vấn đề giao quyền sở hữu đất cho người nước ngoài ở Việt Nam là hoàn toàn không thể. Vì thế, chúng ta cần xem xét để đưa ra một khung giá thuế đất phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài không cảm thấy quá cao. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan phải nhanh gọn, thông thoáng hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tất cả các nước trong khu vực đều đã dỡ bỏ những rào cản trong thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường thông thoáng hơn với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn là một vấn đề nan giải. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều nhận xét rằng thủ tục hành chính của của chúng ta còn quá rườm rà.
Tóm lại, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm ngay từ các nước trong khu vực để tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo một hướng đi đúng đắn trong việc thu hút FDI nói chung, trong đó có FDI từ Nhật Bản.